Bạn chú ý trang wap truyện lâu năm có uy tín chỉ có 1 địa chỉ là http://thanhnienviet.hexat.com
Âm Dương Quái Diện - Hồi 11 : Trúc Lâm Thiền Viện
Xung quanh vẫn tối đen, đó là nhận định đầu tiên chợt đến với Quan Vân Sơn lúc vừa tỉnh lại. Và liền sau đó những nhận định khác cũng tiếp nối xuất hiện, giúp Quan Vân Sơn càng lúc càng nhận rõ hoàn cảnh đang xảy đến cho bản thân.
Không dám lên tiếng, cũng không dám loạn động, Quan Vân Sơn đành ngồi im như pho tượng, ngưng thần và lắng nghe tiếng động tĩnh nếu có. Thời gian cứ thế trôi đi, không biết là bao lâu, cho đến lúc Quan Vân Sơn nghe loáng thoáng có tiếng người lẩm bẩm những lời gì đó rất mơ hồ.
Vì nghe không rõ nên chỉ suýt nữa Quan Vân Sơn đã di chuyển khỏi vị trí đang ngồi, với ý muốn nghe rõ hơn lời lẩm bẩm mơ hồ nọ. Chực nhớ lại bản thân đang bị trận đồ vây hãm, Quan Vân Sơn kinh hoảng, đến phải tự lẩm nhẩm:
- Suýt nữa thì nguy mất. Nhỡ để trận đồ biến chuyển...
Chợt thanh âm mơ hồ nọ vang lên rành rọt bên tai Quan Vân Sơn:
- Là ai vừa lên tiếng? Có phải Quan đệ chăng?
Quan Vân Sơn cả mừng:
- Đại ca...
Chợt:
- Suỵt! Quan đệ đừng lớn tiếng, cũng đừng khinh suất di chuyển loạn trong trận đồ.
Quan Vân Sơn trấn tĩnh lại và hạ thật thấp giọng:
- Đại ca nghi ngờ vẫn có người ở ngoài giám sát chúng ta?
Thanh âm của Khưu Phúc Linh vang đến tuy rõ nhưng thật sự xuất phát từ phương vị nào thì Quan Vân Sơn đành chịu, không thể đoán biết. Phải chăng đó là do tác động của trận đồ?
Quan Vân Sơn nghĩ như thế, khi nghe Khưu Phúc Linh giải thích:
- Từ trong trận vẫn nghe rõ từng thanh âm bên ngoài, chứng tỏ đây chỉ là Gián Trận, khiến nhãn quang thác loạn mà không ảnh hưởng đến thính giác. Vậy việc đề phòng có người ở bên ngoài lẻn nghe là điều không thể không nghĩ đến.
Quan Vân Sơn thầm thán phục nhận định này của Khưu Phúc Linh, vì thế đã tỏ ra cẩn trọng khi khẽ hỏi Khưu Phúc Linh:
- Chuyện gì đã xảy ra cho đại ca? Lẽ nào người hãm hại đại ca lại chính là lệnh di?
Có tiếng Khưu Phúc Linh thở dài:
- Tuy chưa có bằng cớ thuyết phục, nhưng ta vẫn tin a di không dự phần vào gian kế bỉ ổi này. Nhất định chỉ là do một mình lão họ Thường chủ xướng.
Quan Vân Sơn hồ nghi:
- Đại ca muốn nói lệnh di không hề biết chuyện gì đã xảy đến cho đại ca?
- Có thể nói như vậy. Là thế này, vì ta không can tâm nhìn a di bị chất độc công tâm dẫn đến mạng vong, nên có nguyện ý truyền lại tâm pháp và một ít chân nguyên Thái Dương ta đã luyện được. Sau đó, lúc tỉnh lại, ta phát hiện chỉ có một mình ta bị giam giữa Cổ trận này. Và cho đến giờ vẫn chưa biết a di hiện ra sao, hoặc có bị lão họ Thường hãm hại hay không?
Quan Vân Sơn buột miệng bảo:
- Nếu sự việc xảy ra đúng như đại ca kể, lệnh di đương nhiên cũng thuộc dạng đáng bị tình nghi.
- Quan đệ muốn nói a di vẫn bất chấp mẫu tử tình thâm, cố tình đẩy Quan đệ vào tuyệt lộ này?
Quan Vân Sơn hậm hực:
- Lão Thường vốn là người phản phúc và có lắm thủ đoạn, đại ca chớ vội tin lão, nếu như không được nghe chính miệng lệnh di thừa nhận người là thân mẫu của đệ. Và giả như lệnh di có nói, vị tất đệ tin lời.
- Vì sao?
Quan Vân Sơn hỏi ngược lại:
- Đại ca còn nhớ lần hội diện đầu tiên giữa đệ và lệnh di?
- Ta hiểu rồi. Đệ không tin vì cho rằng thái độ lần đó của lệnh di hoàn toàn khác xa thái độ phải có, nếu đó là lần mẫu tử Quan đệ trùng phùng?
Quan Vân Sơn nói thêm:
- Đó là chưa kể dã tâm của lệnh di, cũng là của lão họ Thường, khi cố tình bắt ép đệ phải tiết lộ toàn bộ tâm pháp Thái Âm.
- Họ đã có tâm pháp Thái Dương, còn muốn chiếm thêm tâm pháp Thái Âm để làm gì?
Quan Vân Sơn thở dài:
- Có một chuyện đáng lẽ đệ phải cho đại ca biết từ lâu. Đó là hai công phu này nếu được hợp lại sẽ trở thành công phu cái thế gọi là Âm Dương Nhị Công. Nhưng muốn được như thế, ngoài việc phải có đủ hai tâm pháp như vừa nói thì vẫn cần thêm một điều kiện nữa là bản thân đừng để bị nhiễm bất kỳ loại độc chất nào từ di cốt của Âm Dương Nhị Tiên.
- Sao Quan đệ am tường điều này?
Quan Vân Sơn chép miệng:
- Chính Thái Âm Đại Tiên lưu tự dặn rõ điều này. Không phải đệ muốn giấu đại ca, kỳ thực vì đệ chưa có cơ hội cho đại ca biết.
- Về điều này, quả thật từ lúc chúng ta phân khai để đi vào Âm Dương Nhị Động cho đến khi gặp lại, Quan đệ và ta quả chưa có dịp nào ngồi lại với nhau. Vì thế ta đâu thể trách Quan đệ, nhưng còn về Tỵ Độc Châu...
Quan Vân Sơn ngắt lời:
- Về Tỵ Độc Châu thì mãi sau này đệ mới biết, di vật do gia phụ lúc chết lưu lại chính là báu vật được ẩn chứa trong bảo kiếm Tùng Văn. Rồi sau đó, vì hiểu Tỵ Độc Châu cũng là manh mối duy nhất để truy tìm hung thủ đã sát hại gia phụ, đệ nào dám khinh suất tiết lộ, dù là tiết lộ cho đại ca?
- Cũng vì nguyên nhân này, Quan đệ vẫn khăng khăng không chịu giao ra, bất chấp lệnh đường có thể vì thế mà mất mạng?
Quan Vân Sơn thở phì phì:
- Trong hoàn cảnh lúc đó, đại ca liệu có dám tin lệnh di chính là mẫu thân của đệ?
Sau câu nói Quan Vân Sơn, phải lâu lắm Khưu Phúc Linh mới lên tiếng và là lên tiếng chuyển sang đề tài khác. Khưu Phúc Linh hỏi:
- Vì sao Quan đệ bị lão họ Thường dẫn dụ đến đây?
- Đệ đâu thể an lòng, một khi đã biết đại ca đang gặp nguy hiểm?
Và Quan Vân Sơn lại hỏi:
- Đây là trận đồ gì, đại ca?
- Muốn đáp lại câu hỏi đó, điều cần thiết là phải để trận đồ biến đổi, hầu dựa vào đó mà nhận định. Chỉ tiếc, bản thân ta lại không dám làm cho trận đồ thay đổi dù chỉ là dịch chuyển một bước chân.
Quan Vân Sơn thất kinh:
- Người tinh thông trận thế kỳ môn như đại ca mà còn nói vậy, lẽ nào chúng ta sẽ bị giam giữ mãi nơi đây?
Khưu Phúc Linh chợt đổi giọng:
- Vậy thì chưa chắc. Vì đã có Quan đệ là người tuyệt đỉnh thông minh, có thêm ta là người am hiểu trận đồ. Ta nghĩ, dù đây có là trận đồ lợi hại như thế nào đi nữa vẫn không thể giam giữ mãi hai ta.
Tựa như đã có sự tự tin trở lại, Khưu Phúc Linh chợt hỏi:
- Tình hình ở phía Quan đệ là thế nào?
Quan Vân Sơn lây theo sự phấn khích của Khưu Phúc Linh:
- Quanh đệ đều tối đen, đến xòe bàn tay cũng không thấy.
- Vậy thì quái lạ! Ở phía ta thì sáng tỏ. Đâu lẽ nào ta và Quan đệ lại có đến hai bầu trời khác biệt?
Quan Vân Sơn giật mình:
- Một bên sáng một bên tối? Phải chăng đây là một Âm một Dương, có thể nghĩ là trận lấy Lưỡng Nghi làm chủ?
Có tiếng Khưu Phúc Linh bật reo:
- Ta nhớ ra rồi. Lúc được truyền thụ về kỳ môn thế trận, ta có nghe đến một loại Cổ trận cực kỳ lợi hại gọi là Âm Dương Hỗn Mang trận. Không lẽ chính là trận này?
Quan Vân Sơn mừng rỡ:
- Vậy là đại ca có thể hóa giải?
- Cần phải thử qua mới biết. Bây giờ thì thế này, Quan đệ cứ ở yên chỗ, chỉ cần chú mục dõi nhìn từng biến chuyển là đủ. Ta sẽ thử làm trận đồ thay đổi xem sao.
Quan Vân Sơn lo ngại cho Khưu Phúc Linh:
- Đại ca nhớ cẩn trọng, đừng quá mạo hiểm không nên.
- Quan đệ yên tâm. Ta biết tự lo liệu. Hãy chú tâm nào.
Sau câu nói của Khưu Phúc Linh, cảnh quang trước mặt Quan Vân Sơn vụt thay đổi.
Thoạt tiên là màn đêm đen tan dần đi, sau đó cả một khu rừng trúc mang đầy ảo giác cứ lung linh di chuyển qua lại trước mặt Quan Vân Sơn.
Đang dõi nhìn từng chuyển biến, Quan Vân Sơn chợt nghe thanh âm của Khưu Phúc Linh vang đến thật mơ hồ:
- Phát hiện... điều gì... chưa? ...
Quan Vân Sơn thất kinh, biết trận thế biến đổi đã gây ra hiện trạng này, làm cho khoảng cách giữa Quan Vân Sơn và Khưu Phúc Linh như tăng thêm lên nhiều lần.
Và qua hiện trạng này, Quan Vân Sơn cũng biết, nếu có lên tiếng thì Khưu Phúc Linh không dễ gì nghe. Vì thế, dựa vào bản thân là chủ yếu, Quan Vân Sơn càng thêm chú mục nhìn vào từng cảnh quang đang thay đổi trước mặt.
Được một lúc lâu, Quan Vân Sơn phát hiện ngoài khung cảnh một khu rừng trúc mang đầy ảo giác liên tiếp xuất hiện, thỉnh thoảng cho Quan Vân Sơn nhìn thấy hình ảnh của ngôi cổ tự liêu xiêu như sắp đổ đến nơi.
Ngay lần đầu nhìn thấy hình ảnh này, nếu Quan Vân Sơn không kịp trấn tĩnh có lẽ đã tự xê mình chạy lao về phía có ngôi tổ tự liêu xiêu. Nhưng do vẫn nhớ đây là trận kỳ đồ và còn là loại Cổ trận cực kỳ lợi hại. Quan Vân Sơn đành nén lòng chờ đợi.
Nhờ đó, khi lấy hình ảnh của ngôi cổ tự liêu xiêu làm chuẩn, Quan Vân Sơn sau đó nhận thấy có tất cả bảy khung cảnh được hiện lên lần lượt, trước khi đến hình ảnh thứ tám là hình ngôi cổ tự liêu xiêu.
Phát hiện này làm cho Quan Vân Sơn nổi gai khắp người:
“Là trận trong trận? Trong trận Âm Dương Hỗn Mang là trận Bát Quái với tám phương vị Càn –Khôn – Ly - Khảm - Chấn - Cấn - Tốn – Đoài?” Dù nghĩ thế, nhưng Quan Vân Sơn vẫn chưa dám liều lĩnh nhích động. Bởi một nguyên do duy nhất là hình ảnh liêu xiêu của ngôi cổ tự. Quan Vân Sơn nghĩ thầm:
“Lúc ở ngoài cổng tam quan nhìn vào, ta thấy ngôi cổ tự tuy có vẻ hoang phế nhưng vẫn tỏ ra vững chãi, đâu có cảnh liêu xiêu chực đổ như bây giờ? Vậy phải giải thích thế nào về hình ảnh kỳ quái này?” Lại thêm một lúc lâu ngẫm nghĩ nữa, Quan Vân Sơn mới có lại cảm giác gai gai khắp người như đã xảy ra. Và cảm giác này làm cho Quan Vân Sơn kêu thầm:
“Thế này là thế nào? Không lẽ mọi biến đổi quanh ta chính là đạo lý võ học? Âm Dương sinh khắc và đổi thực thành hư, xem hư là thực? Xem nào, Vô Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi có hai cực là Thái Dương – Thái Âm. Nhị cực này hợp với Thiếu Âm - Thiếu Dương để hóa thành Tứ Tượng, sau sẽ sinh Bát Quái. Và theo chiều thuận thì là Thực, theo chiều nghịch lại là Hư. Chuyển Hư thành Thực, đặt Thực là Hư, đạo lý này nếu giống đạo lý võ học thì trận đang vây hãm ta chính là Phản Kỳ trận Bát Quái, đúng không?” Tự hỏi cũng là tự trả lời, lần đầu tiên Quan Vân Sơn thử mạo hiểm di chuyển trong trận theo đạo lý vừa khám phá.
Một bước – chưa có gì thay đổi, vẫn là tám cảnh quang xoay chuyển nhanh hơn, tựa như người vì luyện công đến nhập tâm nên thi triển càng lúc càng nhanh và càng thuần thục.
Ba bước, quái lạ, tám cảnh quang do xoay quá nhanh nên nhập lại và chỉ còn lại bốn?
”Là Thực Trận Tứ Tượng? Ngôi cổ tự đã hết liêu xiêu, nếu không là Thực thì còn là gì nữa?” Khấp khởi mừng, Quan Vân Sơn lập tức thay đổi cách di chuyển cho phù hợp với Thực Trận Tứ Tượng vừa phát hiện.
Một bước, cả bốn cảnh quang đều dừng lại, cho Quan Vân Sơn nhìn thấy một tiểu lộ dẫn ngay vào ngôi cổ tự Trúc Lâm.
Quan Vân Sơn mỉm cười tự tin:
“Đã bảo hễ thấy Thực là Hư. Ta đâu thể đi vào ngôi cổ tự theo tiểu đạo đang nhìn thấy?
Cũng may, ta đã thông hiểu đạo lý này.” Vậy là Quan Vân Sơn tiếp tục di chuyển theo cung cách đã định, là di chuyển theo cách thức phù hợp với Tứ Tượng trận.
Bước thứ hai đã cho kết quả, trận Tứ Tượng đã quy về trận Lưỡng Nghi với hai lối rõ rệt dẫn vào ngôi cổ tự, một ở phía trước và một ở phía sau.
Quan Vân Sơn chợt bĩu môi, khinh khỉnh nhìn cảnh quang trước mặt:
“Quân tử thì theo chính đạo, chỉ có tiểu nhân mới vào bằng lối hậu mà thôi! Đường đường là Thiếu Bang chủ một đại bang như ta không lẽ thiếu đởm lược đi vào lối chính, cho dù đó là lối có đầy dẫy nguy hiểm?” Với hào khí can vân, Quan Vân Sơn tiến vào ngôi cổ tự theo lối chính ở phía trước.
Một bước...
Hai bước...
... Bước đến bước thứ tám thì cũng vừa vặn Quan Vân Sơn tiến đến gần cánh cửa dẫn vào ngôi cổ tự. Một cánh cửa tuy đóng kín, nhưng do thời gian hủy hoại nên cánh cửa hầu như đã mục nát, chỉ còn lớp khung bên ngoài.
Quan Vân Sơn định xô cửa bước vào.
Quan đệ! Quan đệ!
Tiếng kêu vang lên làm Quan Vân Sơn sực nhớ đến Khưu Phúc Linh.
Tự trách vì mải lo tìm phương hướng phá trận mà quên bẵng Khưu Phúc Linh, Quan Vân Sơn vội quay lại.
Lần quay lại này quá dễ đối với Quan Vân Sơn, vì một khi đã biết Cổ trận này hoàn toàn dựa theo sự biến hóa của Âm Dương Lưỡng Nghi Thái Cực Đồ với một Hư một Thực, Quan Vân Sơn chỉ sau một lúc quay lại đã thuần thục cách xuất nhập trận. Nhờ đó, việc tìm thấy Khưu Phúc Linh cũng là điều dễ dàng. Quan Vân Sơn khẽ lên tiếng gọi:
- Đại ca! Đệ Ở đây.
Vừa kêu xong và chỉ cần thêm hai lượt chuyển người nữa là Quan Vân Sơn đã tìm thấy Khưu Phúc Linh.
Với vẻ mặt ngạc nhiên tột cùng, Khưu Phúc Linh bàng hoàng nhìn Quan Vân Sơn:
- Quan đệ đã phá giải xong Trúc Lâm Cổ Trận?
Quan Vân Sơn mỉm cười:
- Cũng nhờ may thôi. Đại ca! Mau theo đệ nào.
Vốn tinh thông kỳ môn thế trận, Khưu Phúc Linh chỉ cần bám theo Quan Vân Sơn một lúc ngắn đã kêu lên:
- Tiền nhân nào đã lập nên trận này, hẳn phải là bậc có kiến văn siêu phàm. Bởi đâu phải dễ vận dụng cùng một lúc giữa Chính và Phản vào một biến hóa duy nhất là tử Lưỡng Nghi Thái Cực Đồ? Bội phục! Khưu Phúc Linh này hoàn toàn bội phục.
Quan Vân Sơn động tâm, xoay lại nhìn Khưu Phúc Linh:
- Dựa vào đâu đại ca bảo trận này là do tiền nhân thiết lập? Không phải do Thường Đại Thành sao?
Khưu Phúc Linh lắc đầu quầy quậy:
- Nếu do lão lập, cớ sao lão không xông vào trận sau đó để chế ngự chúng ta? Đằng này, như chính lão cũng úy kỵ chốn này, đủ hiểu trận này đã có từ lâu. Có thể bảo là đã tồn tại cùng thời với lúc cổ tự Trúc Lâm được kiến tạo.
Vừa mới nhắc đến cổ tự, trước mặt cả hai đã hiển hiện ngôi cổ tự thâm u vì hoang phế.
Khác với thái độ của Quan Vân Sơn lúc nãy, Khưu Phúc Linh vừa nhìn thấy một trong hai lối dẫn vào ngôi cổ tự chỉ có lối hậu là dễ đi liền nhanh chóng quyết định:
- Đã là trận lấy Thực làm Hư thì lối sau sẽ là lối chính và ngược lại chính diện sẽ biến thành hậu viện. Theo đại ca, chúng ta cứ vào lối hậu thì hơn.
Đành miễn cưỡng đi theo Khưu Phúc Linh, nhưng trong lòng Quan Vân Sơn lại nghĩ khác. Đó là lập luận của Khưu Phúc Linh chỉ đúng nếu ngôi cổ tự là một phần của trận đồ.
Và khi đó mới bảo lấy Thực làm Hư và đổi chính điện thành hậu điện. Đàng này cổ trận chỉ dùng để bảo toàn sự thâm nghiêm cổ kính của ngôi cổ tự và hễ đã vượt qua Cổ trận là được quyền tiến vào ngôi cổ tự bằng bất kỳ lối nào tùy sự chọn lựa, đâu cần dựa theo yếu quyết thực thực hư hư để bỏ lối chính dẫn vào chính điện?
Tuy nghĩ thế, nhưng Quan Vân Sơn chỉ thầm ghi nhận điều này, vì sợ nói ra sẽ gây ngộ nhận cho đại ca Khưu Phúc Linh.
Bên trong ngôi cổ tự đương nhiên có đầy những nhện giăng bụi bám và để dễ dàng di chuyển, Khưu Phúc Linh phải bật hỏa tập lên.
Xoạch!
Vừa có đủ ánh hỏa quang soi tỏ, Khưu Phúc Linh đã bật kêu:
- Hóa ra đây là Trúc Lâm Thiền Viện, một nhánh của Thiếu Lâm Tây Vực đã du nhập Trung Nguyên kể ra cũng ngoài hai trăm năm. Quan đệ có nhìn thấy đủ mười tám pho tượng của Thập Bát La Hán với tăng bào tuyền đỏ? Đó chính là tiêu ký để phân biệt Thiếu Lâm Tây Vực với Thiếu Lâm Trung Nguyên.
Quan Vân Sơn thêm thán phục kiến thức của Khưu Phúc Linh:
- Vậy đại ca hẳn phải biết vì sao Trúc Lâm Thiền Viện bỗng trở nên hoang phế điêu tàn?
Khưu Phúc Linh chép miệng:
- Chuyện đó kể ra khá dài, nhưng tựu trung chỉ vì chữ danh mà ra. Là một nhánh của Thiếu Lâm Tây Vực, nên những tăng nhân Trúc Lâm có phần bất phục thượng lệnh từ Tây Vực truyền sang. Sau đó lại xảy ra hiềm khích và đố kỵ với Thiếu Lâm Trung Nguyên, nên bọn họ kể như bị cô lập. Vậy thì diễn biến xảy ra tiếp theo sau, có lẽ Quan đệ đã tự hiểu?
Quan Vân Sơn gật đầu:
- Bảo là cô lập nhưng kỳ thực chính họ lại chọn lối sống biệt lập. Và để cách ly với mọi người, Âm Dương Hỗn Mang trận là do họ lập? Họ tự chọn cho một kết cục như thế này sao?
Khưu Phúc Linh tuy đáp, nhưng mặt nhăn nhó:
- Ai có chí nấy. Nhưng dù sao, kết cục họ chọn cũng khiến người đời sau thán phục.
Bởi họ đã tránh cho người cùng thời viễn cảnh phải giao phong và nhất định phải có nhiều thương vong không cần thiết.
Phát hiện sắc mặt của Khưu Phúc Linh như vậy, Quan Vân Sơn lo ngại:
- Đại ca sao rồi?
Không gượng nổi, Khưu Phúc Linh ngồi phịch xuống:
- Từ lúc trút truyền một phần chân nguyên cho a di đến giờ, hầu như ta chưa có dịp tọa công khôi phục và nhất là ổn định chân nguyên. Việc ta đang bị kiệt lực là điều ta đã tự biết từ trước.
Quan Vân Sơn liền ngồi xuống cạnh Khưu Phúc Linh:
- Đệ có may mắn là được Đoàn Ngũ Hạ cô nương tặng cho một hoàn Cửu Chuyển Phản Hồi Đan, khiến chân nguyên có phần tăng tiến. Đệ nghĩ sẽ thừa năng lực giúp đại ca khôi phục chân nguyên.
Nhưng Khưu Phúc Linh khước từ:
- Trong ngôi cổ tự này có tiềm tàng những hiểm nguy hay không, chúng ta vẫn chưa biết.
Quan đệ nếu có hảo ý thì cứ để dành chân nguyên, hộ vệ cho ta lúc ta tọa công thì hơn.
Quan Vân Sơn mỉm cười:
- Chúng ta đã là huynh đệ bát bái chi giao, đệ đâu thể yên tâm khi biết đại ca bị khiếm khuyết chân lực?
Khưu Phúc Linh lắc đầu:
- Vẫn còn một điều khiến ta càng khó lòng tiếp nhận thịnh ý của Quan đệ. Đó là hiện giờ đường lối tâm pháp giừa chúng ta đã có sự sai biệt. Quan đệ đã luyện theo tâm pháp Thái Âm, ít nhiều gì cùng làm cho sở học trước kia của Quan đệ phải lấy Âm làm chủ, hoàn toàn khác với ta đã luyện qua tâm pháp Thái Dương.
Quan Vân Sơn lập tức trấn an Khưu Phúc Linh:
- Điều khó khăn này đâu phải là khó khắc phục? Đệ đã có ý này từ lâu, là sẽ trao tâm pháp Thái Âm cho đại ca. Chỉ cần đại ca luyện thành Âm Dương Nhị Công thượng thừa, chẳng phải đệ sẽ nhờ đại ca mà dễ dàng truy tìm hung thủ sát hại gia phụ ư?
Khưu Phúc Linh có một thoáng ngỡ ngàng:
- Đệ có ý này thật hay sao. Vì chính Quan đệ cũng sẽ có cơ hội luyện thành Nhị Công Âm Dương và hai chúng ta sẽ tha hồ vùng vẫy tứ phương, trừ ma vệ đạo.
Quan Vân Sơn thở dài:
- Bản thân đệ đâu cần. Được giúp đại ca thành toàn đại nghiệp là đệ mãn nguyện lắm rồi. Ắt hẳn đại ca còn nhớ lần đệ luyện Thái Âm Khí Công bất thành? Đệ dù rất muốn cũng đâu còn cơ hội luyện đến đắc thành Âm Dương Nhị công.
Khưu Phúc Linh ngây người nhìn Quan Vân Sơn:
- Nếu vậy, ta đâu nỡ chỉ luyện công một mình?
Quan Vân Sơn phì cười:
- Đại ca chớ nói nhảm. Giữa hai ta, ai luyện mà không được? Là đệ cam tâm kia mà?
Nào, chớ để phí thời gian nữa, đại ca hãy lắng nghe tâm pháp Thái Âm đây.
Thật miễn cưỡng, Khưu Phúc Linh sau khi lĩnh hội tâm pháp Thái Âm cũng bấm bụng tiếp nhận một ít chân nguyên do Quan Vân Sơn truyền sang.
Sau đó để Khưu Phúc Linh dễ bề yên tĩnh tọa công, Quan Vân Sơn chợt bảo:
- Đệ ra ngoài một lúc sẽ quay vào, trừ phi đại ca chưa nghe đói, đệ sẽ lưu lại đây cùng đại ca.
Khưu Phúc Linh xúc động:
- Quan đệ quá lo lắng cho ta, ân tình này...
Quan Vân Sơn đứng lên:
- Đã là huynh đệ, đại ca còn khách sáo làm gì. Đệ đi đây. Đại ca hãy yên tâm chờ đệ quay lại.
Với chủ ý là đi tìm vật thực, Quan Vân Sơn trước tiên là đi quanh ngôi cổ tự một vòng.
Và lòng hiếu kỳ đã giữ bước chân Quan Vân Sơn ở ngay lối dẫn vào chính điện, mà lúc nãy Quan Vân Sơn đã bỏ qua.
Nhìn như thế được một lúc, Quan Vân Sơn chợt chép miệng:
- Nếu không vì sợ đại ca Khưu Phúc Linh chờ lâu, ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội vào thám thính khu chính điện này. Nhưng cùng không hề gì, một khi vẫn còn ở đây, ta lo gì không còn cơ hội.
Và nhìn lại lần cuối đầy tiếc nuối, Quan Vân Sơn quay người bỏ đi, tiếp tục vòng qua mé tả ngôi cổ tự, trước khi đi ra ngoài Cổ trận để tìm vật thực.
Xung quanh ngôi cổ tự, đâu đâu cũng có nét hoang sơ tiêu điều vì đã lâu không có người lưu ngụ. Và điều này làm cho Quan Vân Sơn nhận thức rằng đừng mong tìm thấy vật thực – là trái cây rừng chẳng hạn - Ở quanh ngôi cổ tự.
“Ta phải đi ra ngoài khu Cổ trận thôi!” Tâm niệm như thế Quan Vân Sơn thản nhiên hướng mặt ra bên ngoài trận.
Nhưng chưa kịp bước đi, ở phía sau Quan Vân Sơn bỗng vang lên một tiếng động khô khan.
Cạch!
Ngỡ có người mai phục, Quan Vân Sơn quay phắt lại, diện đối diện với phía tả hoang tàn của ngôi cổ tự.
Tiếng động khô khan lúc nãy lại vang lên, nhưng như Quan Vân Sơn đang nhìn thì ở hướng phát ra tiếng động hoàn toàn không có bóng dáng của bất kỳ nhân vật nào, hoặc của bất cứ sinh linh nào.
Kinh nghi, Quan Vân Sơn chậm rãi tiến dần đến chỗ phát ra tiếng động đã hai lần được nghe.
Những loạt tiếng động lạ lúc nãy đã ngưng bặt, tuy nhiên nếu Quan Vân Sơn không nghe lầm, thay cho những loạt tiếng động đó thì lúc này lại có những tiếng lụp bụp trầm trầm vẫn cứ văng vẳng xuất hiện.
Đó là tiếng động chỉ xuất phát từ nơi nào đó đã bị không gian bưng kín, như từ dưới lòng đất vang lên chẳng hạn. Quan Vân Sơn càng thêm tin chắc vào nhận định này, khi phát hiện nơi bản thân sắp đặt chân đến có quá nhiều bụi cỏ dại mọc dầy và mọc thành một khóm hữu biệt với phạm vi độ nửa trượng vuông.
Một ý nghĩ chợt đến với Quan Vân Sơn:
Quanh ngôi cổ tự không hề có bất kỳ nguồn nước lộ thiên nào, như vậy, để tiện cho sinh hoạt, người tăng nhân của Trúc Lâm Thiền Viện trước kia ắt hẳn cần phải đào một giếng nước. Phải chăng chỗ có cỏ mọc dầy kia chính là giếng nước như Quan Vân Sơn vừa nghĩ đến? Và nếu ở đó thật sự có một giếng nước thì những tiếng động lúc nãy thật dễ hiểu là xuất phát từ đó và nhất định là do bất kỳ vật nhỏ nào rơi xuống tạo thành.
Hiểu điều này, Quan Vân Sơn tự cười với chính mình và dừng lại, sau đó quay người định bỏ đi, vì không cần quan tâm đến chuyện đó nữa.
Thế nhưng...
Bụp... Bụp...
Rào... Rào...
Vẫn là những thanh âm trầm đục vang lên, nhưng lần này kèm theo đó lại còn có chuỗi thanh âm rào rào, cứ như tiếng nước đang bị sôi sùng sục.
“Có quái thú ở dưới lòng giếng?” Lo sợ cho đại ca Khưu Phúc Linh, giả như nhân lúc Quan Vân Sơn không có mặt và quái thú lại từ dưới lòng giếng nhào lên, gây kinh động đúng vào lúc Khưu Phúc Linh vẫn còn tọa công thì sao? Quan Vân Sơn lập tức tiến thẳng đến chỗ cỏ mọc đầy.
Đúng như Quan Vân Sơn đã đoán, lớp cỏ dầy quả nhiên đã nhờ hơi nước bốc lên từ chỗ có một miệng giếng ẩn khuất nên sinh sôi không ngừng. Đồng thời chuỗi thanh âm rào rào vẫn cứ tiếp tục vang lên từ đâu đó ở bên dưới lớp cỏ xanh rậm nọ.
Vận dụng chân lực vào song thủ, Quan Vân Sơn tiến đến một cách cẩn trọng.
Đang sợ quái thú có thể từ bên dưới bất ngờ xông lên, nếu chuỗi tiếng động đúng là do quái thú gây ra, Quan Vân Sơn bỗng có cảm nhận lớp cỏ ở ngay phía dưới chân như bị chuội đi.
Để tránh bị ngà, nhất là sợ gây thành tiếng động khiến quái thú có thể phát giác, Quan Vân Sơn vội trầm người xuống và dùng tấn để trụ vững thân hình.
Nhưng hành vi này của Quan Vân Sơn lại làm cho nền đất dưới chân bỗng lún sâu xuống. Và Quan Vân Sơn chợt hiểu, chính lớp cỏ quá mềm mại đã làm cho thân hình chàng chuội đi. Cũng như chính lớp cỏ mọc quá dầy đã làm cho vùng đất quanh nơi có miệng giếng thay vì sụp lở từ lâu thì nhờ lớp rễ cỏ đan quyện vào nhau nên vẫn giữ nguyên hiện trạng giả tạo. Do đó, khi Quan Vân Sơn trụ tấn là đã giúp cho miệng giếng bị lở mạnh.
Quyết không để bản thân rơi xuống lòng giếng và rất có thể nguy hiểm chực chờ. Quan Vân Sơn vẫn theo bản năng vận lực định tung người nhảy lên.
Thế nhưng, Quan Vân Sơn càng vận lực càng làm cho miệng giếng sụp lở. Và...
Ào...
Rào... Rào...
Cùng với miệng giếng đang đà sụp lở, Quan Vân Sơn càng cố lấy đà định nhảy thì càng bị rơi nhanh hơn vào miệng giếng đang rộng mở đón chờ.
Cố trấn tĩnh, Quan Vân Sơn dù bị rơi vẫn căng mắt nhìn thấu xuống lòng giếng. Và điều nghi ngờ của Quan Vân Sơn bỗng hóa thành sự thật, dưới lòng giếng mờ mờ tối đột nhiên xuất hiện một điểm sáng mang màu đỏ thẩm.
“Đúng là mắt của quái thú, đầy hung quang như sắp sửa phát lộ hung tánh.” Thu lực vào hữu thủ, Quan Vân Sơn không chờ bản thân rơi đến gần, cứ bật tung một kình cật lực vào điểm sáng nọ, xem đó là mắt của quái thú như Quan Vân Sơn đang nghĩ.
Chàng còn quát:
- Súc sinh muốn chết! Đỡ!
Ầm...
Tiếng chấn kình do bị bó gọn trong phạm vi hẹp của một lòng giếng nên cứ âm âm vọng vào tai Quan Vân Sơn. Vì thế, giả như quanh đó có tiếng động nào khác nếu được vang lên đúng vào lúc này có lẽ Quan Vân Sơn không thể nào nghe.
Và Quan Vân Sơn cần gì nghe, nếu như bản thân Quan Vân Sơn đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười?
Quan Vân Sơn có tâm trạng này vì khi đã phát kình rồi mới nhận ra điểm sáng nọ không những không là mắt của quái thú mà còn là một trong những vật mà Quan Vân Sơn đang cần tìm. Đó chính là một bụi Tuyết Liên (Hoa Sen) với ít nhất là năm bảy búp đã nở thành hoa và màu hồng của hoa đã làm Quan Vân Sơn lầm tưởng với ánh hung quang xuất phát từ mắt của một quái thú tưởng tượng nào đó.
Vì nhận ra đã muộn nên Quan Vân Sơn cứ tần ngần đứng mãi dưới vũng nước cao ngang ngực, là nơi vừa bị Quan Vân Sơn vì vội vã tung kình nên biến thành chỗ chôn vùi cả một bụi Tuyết Liên rất có thể trở thành thứ thức ăn ngon lành như Quan Vân Sơn và Khưu Phúc Linh đang cần.
Sau một lúc ngẩn ngơ tiếc rẻ, Quan Vân Sơn chợt nghĩ, biết đâu những búp Tuyết Liên chỉ bị chôn vùi, chứ chưa bị chưởng kình phá hủy? Và nếu Quan Vân Sơn tìm lại được, phần vật thực cho cả hai vậy là có thể giải quyết xong?
Với chút hy vọng mong manh, Quan Vân Sơn bế kín hơi thở, trầm toàn bộ thân hình vào dưới vùng nước.
“Hoàng thiên bất phụ khổ nhân tâm.” Sau một lúc mò tìm với đúng hai lần trồi lên để đổi hơi, cuối cùng Quan Vân Sơn cũng tìm lại được cả một bụi Tuyết Liên dù đã bị giập nát.
Đúng lúc này Quan Vân Sơn nghe tiếng Khưu Phúc Linh văng vẳng gọi:
- Quan đệ!
Quan Vân Sơn tuy thất vọng vì bụi Tuyết Liên không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn lấy làm vui khi lên tiếng đáp:
- Đại ca! Đệ Ở đây. Phía bên tả của ngôi cổ tự.
Đáp lại, thanh âm của Khưu Phúc Linh vang đến càng lúc càng gần:
- Ta đã nghe tiếng Quan đệ gọi! Quan đệ hiện ở đâu? Sao ta không nhìn thấy?
Quan Vân Sơn bật cười:
- Đệ bị rơi vào đáy một giếng nước. Đại ca chờ đã, đệ nhảy lên đây.
Và Quan Vân Sơn lấy đà vận lực, giẫm mạnh chân vào đáy giếng và lao bật lên cao...
Vút...
Cũng là lúc Khưu Phúc Linh sắp sửa đặt chân vào lớp cỏ hãy còn phân che khuất miệng giếng, Quan Vân Sơn vội lăng không đảo người vào lôi Khưu Phúc Linh lùi xa:
- Đệ đã bị rơi vì vô ý bước vào lớp cỏ này. Đại ca mau lùi lại.
Một phần nhờ Quan Vân Sơn kịp lên tiếng đề tỉnh, phần khác là nhờ sức lôi ngược của Quan Vân Sơn nên Khưu Phúc Linh không đến nổi đi vào vết xe đổ của Quan Vân Sơn, nghĩa là không bị rơi xuống giếng.
Và Khưu Phúc Linh kinh ngạc nhìn bụi Tuyết Liên vẫn được Quan Vân Sơn cầm trong tay:
- Quan đệ tìm đâu ra Linh vật này?
Quan Vân Sơn gượng cười, buồn thảm nhìn bụi Tuyết Liên giờ chỉ còn là phế vật:
- Có là Linh vật hay không, đệ không biết. Chỉ biết lúc bị rơi xuống, đệ nghĩ nó là quái thú nào đó rất nguy hiểm nên lỡ tay phá hủy. Chà! Nếu không phải thế có phải lúc này đệ và đại ca dù sao cũng có chút gì đó ăn vào đỡ lòng. Chỉ tại đệ quá hồ đồ.
Khác với thái độ xem thường của Quan Vân Sơn, Khưu Phúc Linh đã vội đỡ lấy bụi Tuyết Liên giập nát.
Sau khi kê vào miệng và nhấm thử một mẩu nhỏ, Khưu Phúc Linh thất vọng ném bỏ cả bụi Tuyết Liên đi:
- Là một linh vật như thế này, cả một kình của Quan đệ quật vào đã làm hỏng tất cả.
Thật uổng phí cho một báu vật trời ban.
Quan Vân Sơn động tâm:
- Báu vật ư?
Khưu Phúc Linh lập tức quay người bước đi thật nhanh:
- Quan đệ cứ theo ta thì rõ!
Càng đi theo Khưu Phúc Linh, Quan Vân Sơn càng nghi hoặc. Vì hướng Khưu Phúc Linh đang đi đến chính là lối dẫn vào khu chính điện của ngôi cổ tự mà đã hai lần Quan Vân Sơn bỏ lỡ cơ hội bước vào.